Nghệ thuật tạo không gian bền vững với thiết kế OS&E/FF&E

Ý thức được mức độ quan trọng của việc đề cao vấn đề môi trường, các ngành công nghiệp hiện nay đã và đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Nhắc tới cuộc cách mạng của các giá trị bền vững thì thật khó mà để không nhắc tới ngành khách sạn. Trong đó, một trong những khía cạnh quan trọng của quá trình chuyển đổi chính là việc đưa vào sử dụng thiết kế Operating Supplies and Equipment (OS&E) và Furniture, Fixtures & Equipment (FF&E) bền vững. Việc áp dụng OS&E/FF&E bền vững đang trở thành một xu hướng trong thiết kế khách sạn hiện đại, đáp ứng các nỗ lực mang đến không gian vừa tinh tế, vừa thân thiện với môi trường của khách sạn.


Truyền cảm hứng xanh trong thiết kế OS&E/FF&E tại khách sạn

Ý thức về môi trường tăng lên ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi tiêu dùng của khách hàng, hướng khách hàng đến với những sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu cũng như mang lại các giá trị bền vững cho môi trường. Những thiết kế nội thất OS&E/FF&E bền vững nổi bật với tính tinh tế, sang trọng trong trải nghiệm cùng với tính trách nhiệm đã thu hút được sự chú ý của những vị khách giàu ý thức bảo vệ môi trường. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, việc áp dụng các phương pháp mua sắm bền vững không chỉ tốt hơn cho trái đất mà còn giúp các doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu một cách trông thấy từ 15% đến 30%, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Tính bền vững trong thiết kế OS&E/FF&E không qua loa, hời hợt; mà gắn kết sâu sắc với các hoạt động thân thiện môi trường. Sự gắn kết này đã được thể hiện rõ ràng ngay từ những giai đoạn đầu tiên, bắt đầu bằng việc lựa chọn các vật liệu một cách có tính toán. Việc chuyển sang sử dụng vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững là nền tảng khởi nguồn cho sự gắn kết này. Ngoài vật liệu, bản thân quy trình sản xuất có thể được chuyển đổi thông qua việc sử dụng các chất hoàn thiện bằng hợp chất hữu cơ ít bay hơi và chất kết dính gốc nước. Các biện pháp này làm giảm đáng kể các tác động môi trường của quá trình sản xuất.

Không chỉ dừng lại ở đó, tầm nhìn xa của các khách sạn còn được thể hiện thông qua việc đưa ra các sáng kiến nhằm khai thác các nguồn năng lượng tái tạo để đưa vào sử dụng. Các hệ thống năng lượng mặt trời hoặc gió không chỉ làm giảm đi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không thể tái tạo mà còn là cam kết ưu tiên sử dụng các phương án xanh của các khách sạn. Bằng cách này, các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn có thể tăng cường sự gắn kết của họ với các vấn đề môi trường và truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác làm theo.

Bước đi đột phá trong thiết kế OS&E/FF&E bền vững của Marriott International

Cam kết của ngành khách sạn đối với các mục tiêu bền vững là biểu hiện của việc hướng tới các hoạt động có trách nhiệm hơn của cả một tập thể. Đơn cử như việc Marriott đề ra mục tiêu có 95% sản phẩm FF&E đạt xếp hạng cao nhất trong Chương trình Đánh giá Tính bền vững Vật liệu (MSAP) đã thể hiện đanh thép cam kết của Marriott đối với việc tìm nguồn cung ứng vật liệu tuân thủ các tiêu chí bền vững nghiêm ngặt. Điều này bao gồm việc mọi khía cạnh trong vòng đời của sản phẩm đều được xem xét mang đến cách tiếp cận toàn diện đối với tính bền vững.

Đặc biệt, tại Việt Nam, JW Marriott Phú Quốc đã thể hiện ý thức bảo vệ môi trường bằng cách lồng ghép các hoạt động bền vững vào thiết kế nội thất. Sự kết hợp của hơn 5000 món đồ cổ tái chế đã tạo nên một câu chuyện lịch sử phong phú cho không gian, nhấn mạnh ý tưởng rằng không phải mọi thứ trong một khách sạn mới đều cần phải hoàn toàn mới. Cách tiếp cận sáng tạo này không chỉ mang đến một câu chuyện doanh nghiệp hấp dẫn mà còn là đại biểu cho một trong những dự án thiết kế bền vững nhất trong quy mô của Marriott. Hơn nữa, việc khách sạn này lắp đặt một nhà máy đóng chai thể hiện một bước tiến đáng kể về tính bền vững thông qua việc tránh được phải tiêu thụ hàng tỷ chai nhựa sử dụng một lần một cách hiệu quả. Khác biệt với phần lớn các cơ sở kinh doanh của Marriott, khách sạn JW Marriott Phú Quốc đảm bảo rằng mọi phòng nghỉ đều đón được ánh sáng tự nhiên từ hai phía, từ đó loại bỏ nhu cầu chiếu sáng nhân tạo vào ban ngày. Sự lựa chọn thiết kế có ý thức này giúp bảo tồn đáng kể các nguồn năng lượng, tạo tiền lệ đáng khen ngợi cho các hoạt động khách sạn bền vững.

Tính bền vững trong thiết kế khách sạn OS&E/FF&E là nỗ lực nhiều mặt bao gồm lựa chọn vật liệu, quy trình sản xuất và cân nhắc về năng lượng. Việc tích hợp các vật liệu thân thiện với môi trường và thực hành tiết kiệm năng lượng không chỉ phù hợp với các mục tiêu bền vững toàn cầu mà còn tạo được tiếng vang với những vị khách có ý thức bảo vệ môi trường. Khi ngành khách sạn tiếp tục phát triển, việc ưu tiên các yếu tố này trong thiết kế OS&E/FF&E sẽ không chỉ còn là một xu hướng mà trở thành trách nhiệm cơ bản.

viVietnamese